Chuyển tới nội dung

Lịch sử phát triển

Những vấn đề cấp thiết các quốc gia  trên thế giới phải đối mặt hiện nay : mực nước biển dâng, các núi băng và sông băng đang teo nhỏ, những đợt nắng nóng khủng khiếp đang diễn ra thường xuyên hơn gấp khoảng 4 lần, hạn hán, dịch bệnh, mất đa dạng sinh học, các hệ sinh thái bị phá hủy ….

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất vì hiện tượng biến đổi khí hậu, do có đường bờ biển dài, bão, lốc, luợng mưavà nắng nóng thường xuyên biến đổi. Hiện tượng thay đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến một vài hệ thống tự nhiên của Việt Nam, nền kinh tế cũng như toàn thể dân số.

Bằng chứng của hiện tượng biến đổi khí hậu có thể thấy rõ ở Việt Nam. Nhiệt độ trung bình đã tăng 0.5°C và mực nước biển dâng cao 20 cm so với 50 năm trước. Những hiện tượng khí hậu tiêu cực như mưa lớn, hạn hán và bão lụt ngày càng xuất hiện với cuờng độ lớn hơn.

Trước tình hình đó Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 đã đưa ra Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường “ Ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.”

Xuất phát từ nhu cầu phát triển chuyên môn về lĩnh vực Biến đổi khí hậu, được sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho phép của Bộ GIáo dục & Đào tạo, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường đã ra  Quyết định số: 331/QĐ – TĐHHN ngày 27/02/2013 thành lập Bộ môn Biến đổi Khí hậu & Phát triển bền vững.

Bộ môn thành lập trên cơ sở tách ra từ Khoa Khí tượng – Thủy văn, có nhiệm vụ tham gia trực tiếp đào tạo cử nhân ngành Biến đổi khí hậu có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật, có đạo đức nghề nghiệp; nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về khí hậu và những biến đổi khí hậu hiện nay. Tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các Khoa, Viện, Trung tâm, trường học, các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực chuyên môn.

 Nhiệm vụ chính:

–         Nghiên cứu và giảng dạy cho các Khoa, Bộ môn trong và ngoài trường.

–         Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chương trình giảng dạy.

–         Nghiên cứu các định hướng chính trong đào tạo cử nhân ngành BĐKH.

–         Cùng với Trường, các tổ chức, trung tâm…nghiên cứu và đề ra các dự báo tác động của BĐKH tới kinh tế – xã hội và môi trường.

Định hướng phát triển:

Hiện nay, bộ môn đang đảm nhiệm giảng dạy cho các bậc đào tạo: Đại học, cao đẳng, liên thông, tại chức…trong và ngoài Trường.

Đội ngủ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nhằm phục vụ tốt công tác giảng dạy. Ngoài ra, trong năm tới Bộ môn triển khai viết các giáo trình, bài giảng liên quan, nâng cao công tác giảng dạy, giúp học sinh nắm vững kiến thức chuyên ngành.

Trong tương lai được sự cho phép của Nhà trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ môn bắt đầu tuyển sinh và đào tạo các cử nhân chuyên nghiên cứu về lĩnh vực Biến đổi khí hậu. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ nhận bằng cử nhân Biến đổi Khí hậu.

Sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan nghiên cứu có liên quan như: các sở Khoa học Công nghệ của các tỉnh, thành phố, các sở Tài nguyên và Môi trường, các Viện nghiên cứu… cũng như các trạm khí tượng, trung tâm khí tượng, các nhà máy xí nghiệp sản xuất, công ty tư vấn có liên quan đến đánh giá tác động môi trường và biến đổi khí hậu.

Sinh viên có thể tham gia công tác giảng dạy các ngành có liên quan về biến đổi khí hậu cho các trường đại học, cao đẳng đẳng hoặc phục vụ các ngành kinh tế, xã hội và quốc phòng hoặc có thể tiếp tục học cao học về chuyên ngành biến đổi khí hậu và chuyên ngành Khí Tượng.