Chuyển tới nội dung

Hội thảo Châu Á - Thái Bình Dương về Giảm phát thải thủy ngân từ hoạt động đốt than.

31.10.2019

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chính nhằm chia sẻ thông tin và hỗ trợ các quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo Công ước Minamata trong các lĩnh vực liên quan đến phát thải thủy ngân, khí thải từ hoạt động đốt than và góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cảnh báo, ô nhiễm thủy ngân đang trở thành một vấn đề toàn cầu. Tại châu Á, tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh đã thúc đẩy mức độ tăng trưởng của những ngành công nghiệp có sử dụng thủy ngân trong sản xuất, làm cho châu lục này trở thành nơi thải ra lượng thủy ngân nhiều nhất, chiếm gần 50% lượng thải chất độc hại này của thế giới. Trong đó, hoạt động đốt than là một trong những nguồn phát thải quan trọng của thủy ngân ra môi trường. Thực tế đó cần được các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà sản xuất công nghiệp của châu lục trên phải tính tới để bảo vệ sức khỏe con người.


Toàn cảnh Hội thảo


PGS.TS Phạm Quý Nhân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Quý Nhân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Hội thảo này là một phần của chương trình hỗ trợ kỹ thuật và phát triển năng lực cho các Quốc gia tham gia Công ước Minamata (thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP), được phối hợp tổ chức giữa Ban thư ký Công ước Minamata về thủy ngân (thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP) và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ một số quốc gia chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm quản lý và đưa ra những ý tưởng khoa học, hoạch định các chiến lược, xây dựng các chính sách và phát triển công nghệ kiểm soát và giảm thiểu chất ô nhiễm từ hoạt động sử dụng nhiên liệu than.


Ông Eisaku Toda - Đại diện Ban Thư ký Công ước Minamata thuyết trình tại Hội thảo

Hội thảo tập trung vào các nhóm vấn đề chính sau: Phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BAT/BEP); Kiểm kê phát thải; Tiếp cận các công cụ chính sách: nội dung chính về các quy định hiện hành và các chính sách dự định ban hành; Giới hạn phát thải thủy ngân; Chính sách về yêu cầu áp dụng BAT/BEP; Các chất ô nhiễm và các quy định góp phần kiểm soát phát thải thủy ngân; Giới thiệu về công cụ giáo dục trực tuyến E-learning và Các công việc trong tương lai, ý tưởng cho các dự án cấp quốc gia.

 


PGS.TS Phạm Quý Nhân tặng quà lưu niệm cho Ông Eisaku Toda


PGS.TS Phạm Quý Nhân tặng quà lưu niệm cho Bà Lesley Sloss - Chuyên gia tư vấn của Trung tâm than đá sạch của Cơ quan năng lượng quốc tế


Lãnh đạo Nhà trường, đại diện Ban tổ chức và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Bài viết khác