Chuyển tới nội dung

Xâm nhập mặn khốc liệt hơn do biến đổi khí hậu

09.06.2022

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn trên một số lưu vực sông ngày càng gia tăng và lấn sâu vào đất liền gây nhiều khó khăn cho việc khai thác, sử dụng nguồn nước vốn đã hạn chế trong mùa cạn nay sẽ càng khốc liệt hơn do xâm nhập mặn.

Khi xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam, các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH đã tính toán mức độ xâm nhập mặn tới cuối thế kỷ 21 trên các lưu vực sông ở từng vùng miền.

Vùng tác động mạnh nhất là các sông thuộc Nam Bộ. Khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất trên các sông thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và sông Đồng Nai có khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tăng từ 4,6-7,1 km ứng với đỉnh mặn 1‰ và tăng từ 4,2-6,8 km ứng với đỉnh mặn 4‰, đến năm 2050 có thể tăng từ 8,8-9,9 km ứng với đỉnh mặn 1‰ và tăng từ 8,4- 9,5 km ứng với đỉnh mặn 4‰. Trên sông Vàm Cỏ đến năm 2030 tăng khoảng 4,6 km ứng với đỉnh mặn 1% và khoảng 4,2 km đối với đỉnh mặn 4‰. Đến năm 2050, có thể tăng lên 9,3 km đối với đỉnh mặn 1‰ và 9,0 km đối với đỉnh mặn 4‰.

Đối với các sông thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ gồm sông Hồng-Thái Bình, sông ven biển Quảng Ninh và các sông nhỏ khác cho thấy khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất trên các sông đều tăng so với thời kỳ cơ sở.

Đối với đỉnh mặn 1‰, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất trên các sông tăng mạnh dần qua các thời kỳ 2016-2035 (tăng từ 0,08 km trên sông Cấm đến 2,28 km trên sông Lạch Tray), thời kỳ 2046-2065 tăng 0,63 km trên sông Đá Bạch đến 7,11 km (sông Lạch Tray) và đến cuối thế kỷ tăng từ 0,62 km (sông Cấm) đến 7,27 km (sông Luộc). Đối với sông Ninh Cơ, đỉnh mặn đều vượt 1%o trên toàn bộ sông ở tất cả các thời kỳ.

Mức độ xâm nhập mặn gia tăng trên các sông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Đối với đỉnh mặn 4‰, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất trên các sông cũng tăng mạnh qua các thời kỳ 2016-2035, 2046-2065 và 2080-2099. Trên sông Hồng, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất tăng dần qua các thời kỳ, tăng từ 18,86 km (thời kỳ 2016-2035) đến 21,48km (thời kỳ 2080-2099). Sông Thái Bình tăng từ 0,85 km (thời kỳ 2016-2035) đến 3,10 km (thời kỳ 2080-2099).

Trên lưu vực sông Mã thuộc vùng Bắc Trung Bộ, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất tính đến năm 2050 tăng so với hiện trạng đối với đỉnh mặn 4%o. Trên sông Mã khoảng cách này tăng từ 5,2 km (đến năm 2050). Trên sông Lèn, khoảng cách này đến năm 2050 tăng 4,4 km. Trong điều kiện nước biển dâng thêm khoảng 22-35 cm vào giữa thế kỷ (2050) thì mức độ nhiễm mặn tại các vùng cửa sông của hai lưu vực sông Cả và sông Nhật Lệ thuộc các xã Hưng Nhân, Yên Hồ và Võ Ninh đều tăng thêm khoảng 2‰ so với hiện tại. Ranh giới mặn 1%o sẽ tiến sâu vào trong sông thêm khoảng 2-3km. Vào cuối thế kỷ, khi mực nước biển dự tính tăng thêm khoảng 60-80%, thì độ mặn tại 2 xã Yên Hồ, Võ Ninh sẽ tăng thêm khoảng 2%o, tại Hưng Nhân tăng khoảng 5‰ so với hiện tại. Ranh giới mặn 1%o trên lưu vực sông Cả sẽ tiến sâu vào trong sông khoảng 40 km tính từ Cửu Hội, lên đến xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và các xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trên lưu vực sông Nhật Lệ thì ranh giới độ mặn 4‰ sẽ lên đến công ngăn mặn Mỹ Trung trên nhánh Kiến Giang. Trên nhánh sông Long Đại thì ranh giới độ mặn 1‰ sẽ lến đến cầu đường sắt, khu vực xã Trường Xuân của huyện Quảng Ninh.

Tại Nam Trung Bộ, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất trên các sông thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có khả năng giảm ở một số sông phía bắc (Thanh Quýt, Vĩnh Điện, Bà Rèn, Thu Bồn) và tăng ở các sông phía nam (La Thọ, Quá Giáng, Vu Gia, Tam Kỳ, Trường Giang). Trên lưu vực sông Trà Khúc - Vệ, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất có khả năng gia tăng ở tất cả các sông phía Bắc, trong đó, tăng mạnh nhất trên sông Trà Bồng và tăng ít nhất trên sông Vệ. Khoảng cách xâm nhập mặn trên các sông thuộc lưu vực sồng Trà Khúc - Vệ tính đến giữa thế kỷ tăng từ 1,05-1,3 km với đỉnh mặn 1‰ và tăng từ 0,5-1,15km ứng với mặn 4‰. Đến cuối thế kỷ có thể tăng từ 1,55-1,67 km ứng với mặn 1‰ và 1,55-2,0 km ứng với mặn 4‰.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
(https://monre.gov.vn/Pages/xam-nhap-man-khoc-liet-hon-do-bien-doi-khi-hau.aspx?cm=Bi%E1%BA%BFn%20%C4%91%E1%BB%95i%20kh%C3%AD%20h%E1%BA%ADu) 

Bài viết khác