Bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định điều này trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 ban hành đầu năm nay. Thực tế, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến tất cả các hệ sinh thái, làm suy thoái đa dạng sinh học song nếu biết bảo vệ những cánh rừng, gìn giữ môi trường trướng sống cho các loài động thực vật, bảo tồn các nguồn gen quý thì các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ bị đẩy lùi đáng kể.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới song lại là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Á về số lượng các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Biến đổi khí hậu có thể làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi tác động đến tất cả các hệ sinh thái trên cạn, dưới nước và hệ sinh thái biển, ven bờ. Rất cần một hệ thống giải pháp căn cơ để bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học trước thách thức lớn này.
* Tăng nguy cơ cháy rừng
Trên phần lãnh thổ vùng lục địa ở Việt Nam, các kiểu hệ sinh thái trên cạn đặc trưng gồm rừng, đồng cỏ, savan, đất khô hạn, đô thị, nông nghiệp, núi đá vôi. Hiện nay, thay đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu là mối đe dọa với hệ sinh thái trên cạn. Rừng nhiệt đới tiếp tục bị phá hủy, thay thế bằng cây nông nghiệp và nhiên liệu sinh học. Việc thay đổi trên diện rộng nơi cư trú tự nhiên thành đất trồng trọt hay các rừng được quản lý sẽ dẫn đến sự suy thoái đa dạng sinh học. Dịch vụ hệ sinh thái đi kèm cũng bị ảnh hưởng như giữ chất dinh dưỡng, cung cấp nước sạch, kiểm soát xói mòn đất và tích tụ các bon. Thay đổi do khí hậu tác động lên phân bố loài và loại hình thực vật sẽ gây ra các tác động quan trọng đến dịch vụ dành cho con người, như giảm lượng gỗ khai thác.
Trong các kiểu hệ sinh thái trên cạn, thì hệ sinh thái rừng có tính đa dạng về thành phần loài cao nhất, đồng thời đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã có giá trị kinh tế và khoa học
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các kiểu hệ sinh thái rừng cũng chịu những ảnh hưởng khác nhau. Một số tác động của biến đổi khí hậu đến các hệ sinh thái rừng rừng như thay đổi ranh giới; chỉ số tăng trưởng sinh khối giảm; tăng nguy cơ cháy rừng và tăng mức độ và tần suất của các đợt dịch và sâu bệnh hại cây rừng.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mức độ đa dạng sinh học, cấu trúc thành phần loài của các hệ sinh thái rừng trên cạn cũng bị thay đổi do môi trường sống của chúng bị thay đổi, nguy cơ diệt chủng loài gia tăng. Trong khi các loài sinh vật muốn phát triển một cách bình thường cần phải có một môi trường sống phù hợp, tương đối ổn định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, đất đai, thức ăn, nguồn nước... và cộng đồng các loài sinh vật trong nơi sống. Một trong những tác động tiêu cực khác của biến đổi khí hậu đến các hệ sinh thái rừng trên cạn đó chính là tăng nguy cơ cháy rừng. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều vụ cháy rừng lớn xảy ra gây nhiều tổn thất nghiêm trọng về kinh tế và môi trường, làm thiệt hại nghiêm trọng hệ sinh thái rừng và góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường xung quanh.
Bảo vệ rừng ngập mặn vừa gìn giữ tài nguyên đa dạng sinh học, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu (Vườn quốc gia Xuân Thủy - Ảnh: Đăng Khoa)
* Giảm diện tích đất ngập nước
Hệ sinh thái đất ngập nước nội địa thể hiện ở các vùng đặc trưng như hồ, hồ chứa, ao, đầm, ruộng lúa nước, các thủy vực nước chảy như suối, sông, kênh rạch. Các hệ sinh thái vùng nước nội địa đã thay đổi rất nhiều trong các năm gần đây. Một trong những nguyên nhân góp phần gây ra sự suy giảm diện tích của các hệ sinh thái nước nội địa là biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu còn làm thay đổi điều kiện sinh thái, phân bố và cấu trúc của các quần xã, cũng như ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật. Nhiệt độ không khí tăng cũng kéo theo sự gia tăng của nhiệt độ trong nước, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa gia tăng nhanh như hiện nay, lượng nước thải, chất thải với hàm lượng lượng ni tơ, phốt pho cao chưa được được xử lý hoặc xử lý không triệt để sẽ gia tăng sự phú dưỡng các dòng sông, hồ tiếp nhận lượng thải này, gây suy thoái hệ sinh thái thủy vực, suy giảm đa dạng sinh học.
* Giảm sinh kế của hàng triệu dân ven biển
Với bờ biển dài hơn 3.260km cùng với vùng biển rộng gấp hơn 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, các hệ sinh thái biển Việt Nam là cơ sở duy trì trữ lượng cá biển trên 5,3 triệu tấn và hàng năm có thể đáp ứng khoảng 47% nhu cầu protein của người dân.
Mực nước biển dâng, sự gia tăng xâm nhập mặn, tăng độ mặn tại các khu vực cửa sông ven biển, các hiện tượng thiên tai khác như bão, lũ lụt, đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái biển và ven biển. Thiên tai cùng với các hoạt động lấn biển để làm các ao nuôi thủy sản và xây dựng công trình ven biển gây mất một phần diện tích các hệ sinh thái rạn san hô và hệ sinh thái thảm cỏ biển.
Biến đổi khí hậu với hiện tượng nước biển ấm lên, độ mặn nước biển thay đổi cùng sự ô nhiễm môi trường nước đã làm thay đổi môi trường sống của san hô. Biến đổi khí hậu làm thay đổi chế độ thủy, hải văn, sóng biển và nước biển dâng sẽ có tác động đáng kể đến thu hẹp diện tích của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng 1 mét, dự tính khoảng 300km² rừng ngập mặn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, tương đương với diện tích khoảng 15,8% tổng diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam. Thêm vào đó, diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp do một số loài cây rừng ngập mặn không kịp thích ứng với các thay đổi của điều kiện môi trường như độ ngập triều, độ mặn, nhiệt độ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đặc thù, rất nhạy cảm với những tác động của biến đổi khí hậu. Bão với cường độ mạnh, tần suất tăng cũng hủy hoại rừng ngập mặn.
Ngoài diện tích rừng ngập mặn bị mất, mực nước biển dâng cao cũng gây ra những tác động gián tiếp nghiêm trong đến đa dạng sinh học và sinh trưởng của rừng ngập mặn. Sự suy thoái và suy giảm diện tích của rừng ngập mặn làm gia tăng nguy cơ xói lở bờ biển; giảm sinh kế của cộng đồng cư dân ven biển, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái; giảm khả năng lưu giữ CO2 của rừng ngập mặn.
* Bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định điều này trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong Chiến lược này, Thủ tướng nhấn mạnh, đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển kinh tế xanh; bảo tồn đa dạng sinh học vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài, bền vững nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 5 nội dung lớn của Chiến lược.
Theo đó, từ nay đến năm 2050, Việt Nam tập trung bghiên cứu, đánh giá và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học tại Việt Nam, thực hiện các phương án bảo tồn đa dạng sinh học tại những khu vực bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro do biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái tự nhiên.
Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái dựa vào cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên bảo tồn các nguồn gen quý, loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và các hệ sinh thái quan trọng; đánh giá nguy cơ và kiểm soát sự xâm hại của các loài ngoại lai dưới tác động của biến đổi khí hậu là những giải pháp cần thực hiện liên tục và lâu dài.
Đặc biệt, các ngành, các địa phương cần áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở các khu vực dễ bị tổn thương như: lưu vực sông, khu vực ven biển (đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long), thực hiện các giải pháp nâng cao tính chống chịu của đa dạng sinh học đối với biến đổi khí hậu tại các khu vực này; tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học.
Để tạo ra hiệu quả rõ ràng, Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực đa dạng sinh học cao, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái, các giải pháp thích ứng dựa vào thiên nhiên và tri thức cộng đồng, đồng thời tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính; ứng dụng kiến thức của người dân địa phương trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bảo đảm sinh kế bền vững.
Một chương trình thiết thực tiếp tục được thực hiện là Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các - bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (Chương trình REDD+).
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi Trường
- Xâm nhập mặn khốc liệt hơn do biến đổi khí hậu09.06.2022
- Thông báo tổ chức "Tuần sinh hoạt công dân cuối khóa và lễ ra trường cho sinh viên ĐH8BK"07.06.2022
- Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững năm học 2021-202228.05.2022
- Phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta12.05.2022
- Thông báo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững năm học 2021-202212.05.2022
- Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển về vững làm việc với chuyên gia của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)11.05.2022
- Thông báo tuyển dụng "Cán bộ hỗ trợ dự án"06.05.2022
- Chương trình Đào tạo trình độ Đại học Ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 202102.08.2021
- Nhân rộng mô hình ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng tôn giáo30.07.2020
- Nước và biến đổi khí hậu14.06.2020
- Tuần lễ biển đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2020: Đổi mới vì một đại dương bền vững.31.05.2020
- Đánh giá Chiến lược và kế hoạch quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu.27.05.2020